Thủ phạm gây đau thắt lưng dưới và cách điều trị phòng ngừa ngay tại nhà

Đau lưng là căn bệnh phổ biến xảy ra ở nhiều người, chiếm ⅔ các bệnh lý về xương khớp. Trong đó, đau thắt lưng dưới dễ gặp ở nhiều đối tượng hơn cả. Y học đã tìm ra những nguyên nhân gây đau thắt lưng dưới và những giải pháp an toàn, hiệu quả cho bệnh nhân.

Đau lưng là bệnh gì?

Tổng quan về đau lưng

  • Vai trò của vùng thắt lưng

Vùng thắt lưng là vùng trọng điểm của cột sống. Mọi động tác di chuyển, xoay người, đứng lên, ngồi xuống, mang vác đồ vật, … đều tác động một lực lớn lên vùng thắt lưng.

Ở tư thế ngồi thẳng, vùng thắt lưng dưới cũng phải chống đỡ trọng lượng của cả phần trên cơ thể. Vì thế, y học coi vùng thắt lưng là bản lề của cột sống. Theo thời gian, vùng thắt lưng chịu quá nhiều những áp lực, trở nên lão hóa kèm theo những biến chứng tiêu cực, gây đau đớn cho người bệnh.

  • Vị trí thắt lưng

Để miêu tả rõ hơn về đau thắt lưng, người bệnh có thể hình dung cột sống thắt lưng có tất cả 5 đốt, được ký hiệu từ L1 đến L5. 5 đốt sống thắt lưng này nằm dưới 12 đốt sống lưng và nằm trên xương cùng.

Đau lưng (còn gọi là đau lưng vùng thấp) là triệu chứng đau tại vùng L1 đến nếp lằn mông. Bệnh nhân có thể bị đau chính giữa vùng thắt lưng, đau một bên hoặc đau cả hai bên.

  • Mức độ phổ biến của đau lưng

Theo thống kê, có đến khoảng 65-80% người trưởng thành bị đau cột sống thắt lưng cấp tính hoặc vài lần trong đời. Khoảng 10% trong số này, bệnh tiến triển thành đau lưng mãn tính, khó chữa khỏi.

Đau thắt lưng dưới có nguy hiểm không?

Đau thắt lưng dưới thực chất không nguy hiểm như các bệnh nan y. Những người mắc bệnh đau thắt lưng mãn tính không bị đe dọa về tính mạng. Tuy nhiên, họ gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt thường ngày. Nguy hiểm hơn, chứng đau thắt lưng mãn tính với cấp độ nặng có thể khiến người bệnh đối mặt với nguy cơ bại liệt.

Triệu chứng của đau lưng

Triệu chứng của đau lưng rất dễ nhận biết. Như đã đề cập ở trên, bệnh nhân có thể đau tập trung tại giữa, một bên hoặc cả hai bên tại vị trí xung quanh các đốt sống thắt lưng từ L1 đến L5. Các cấp độ và biểu hiện của cơn đau có thể là:

  • Đau thắt, nhói lên
  • Cơn đau âm ỉ, nhức mỏi lan dọc cột sống thắt lưng và kéo dài tới tận chân
  • Cơn đau nhói lên khi mang vác nặng, khi ho, hắt hơi
  • Lưng cứng lại, không thể cử động dẻo dai. Nặng hơn, người bệnh di chuyển chậm hoặc không thể di chuyển nếu không có sự trợ giúp của nạng hoặc người thân.

Nguyên nhân gây đau cột sống lưng

Có rất nhiều nguyên nhân gây đau cột sống thắt lưng. Trong đó, các nguyên nhân thường gặp là:

Thoái hóa đĩa đệm

Đĩa đệm đóng vai trò là một chiếc lò xo, tạo độ đàn hồi và giảm áp lực cho các khớp xương. Do tuổi tác hoặc vận động mạnh, đĩa đệm bị thoái hóa chức năng, không đảm nhận tốt vai trò. Nghiêm trọng hơn, nhân nhầy tại đĩa đệm có thể thoát ra ngoài, chèn ép dây thần kinh, gây viêm sưng các khớp, khiến vùng thắt lưng đau đớn, ê ẩm.

Thoái hóa và thoát vị đĩa đệm là nguyên nhân thường thấy nhất của căn bệnh đau lưng.

Bong gân

Sau những va chạm mạnh, dù người bệnh không gãy xương và trật khớp, các dây chằng và bao khớp vẫn bị tổn thương, gọi chung là bong gân. Bong gân có thể làm các dây chằng căng ra, thậm chí rách. Tình trạng này xảy ra khi người bệnh mang vác vật quá nặng một cách đột ngột và sai tư thế.

Bệnh lý rễ dây thần kinh

Các rễ dây thần kinh tại vị trí cột sống bị chèn ép, bị viêm hoặc tổn thương khiến bệnh nhân đau nhức vùng thắt lưng. Bệnh này thường đi kèm với triệu chứng tê, đau, ngứa râm ran như bị kiến cắn lan từ thắt lưng đến các vùng lân cận khác, dọc theo đường đi của các dây thần kinh. Nguyên nhân sâu xa của các bệnh lý rễ dây thần kinh là tình trạng hẹp ống sống, nhân nhầy của đĩa đệm thoát ra ngoài bao xơ, chèn ép rễ thần kinh.

Đau dây thần kinh tọa

Dây thần kinh tọa là dây thần kinh dài và lớn nhất cơ thể, kéo từ vùng thắt lưng qua xương chậu và mông rồi đến chân. Chính vì thế, người bị đau dây thần kinh tọa sẽ cảm nhận được cơn đau ê ẩm từ thắt lưng, lan xuống phần mông và kéo dài gây tê nhức cả xuống chân. Đau thần kinh tọa khá nguy hiểm. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể bị suy giảm chức năng vận động sau một thời gian ngắn. 

Hẹp ống sống

 

Mỗi đốt sống đều có một lỗ bên trong để tủy sống đi qua. Ống sống là phần khoang rỗng được tạo thành từ sự xếp chồng lên nhau của các lỗ sống. Đây là nơi tập hợp tủy sống và các rễ thần kinh. Ống sống bị co lại do nhân nhầy của đĩa đệm chèn ép. Từ đó, tủy sống và dây thần kinh nằm trong ống sống cũng bị ép gây nên tình trạng đau lưng nghiêm trọng.

Các bất thường về xương

Các dị tật bẩm sinh về xương tại vị trí thắt lưng như vẹo cột sống, loài lách (Lordosis) – một đường cong đổ về phía trước của xương sống… cũng có thể là nguyên nhân chính gây đau lưng.

Nhiễm trùng và viêm

Viêm tủy xương, viêm đĩa đệm hoặc viêm khớp giữa xương chậu và cột sống,… đều có thể là nguyên nhân gây đau vùng thắt lưng. Thậm chí, tình trạng viêm nhiễm có thể chuyển biến nặng thành các khối u chèn ép dây thần kinh vùng thắt lưng.

Các vấn đề về động mạch chủ bụng

Động mạch chủ bụng với vai trò là động mạch lớn nhất và dài nhất trong cơ thể.  Động mạch này xuất phát từ tim, đi xuống lồng ngực và ổ bụng rồi  kết thúc chia nhánh thành 2 động mạch chậu. Động mạch này bị tổn thương hoặc phình lên có thể gây triệu chứng đau lưng.

Sỏi thận

Bệnh sỏi thận gây đau nhói ở vùng thắt lưng dưới và thường chỉ xuất hiện ở một bên.

Hai quả thận nằm trong ổ bụng, tại vị trí đối xứng nhau qua cột sống từ đốt sống ngực T11 đến đốt sống thắt lưng L3. Vì thế, khi sỏi xuất hiện trong thận sẽ gây ra các triệu chứng đau, khó chịu quanh khu vực thắt lưng, dưới mạn sườn.

Loãng xương

Do lão hóa và chế độ ăn không cung cấp đủ chất dinh dưỡng, xương bị mỏng, giòn và dễ nhiễm bệnh. Loãng xương cũng gây nên những cơn đau lưng, kèm theo đó là triệu chứng sụt cân, mệt mỏi.

Lạc nội mạc tử cung

Đây là hiện tượng nội mạc tử cung “đi lạc” vào những cơ quan gần tử cung như buồng trứng, bàng quang, ống dẫn trứng hoặc thậm chí ở đường ruột. Nội mạc tử cung tồn tại không đúng vị trí gây chèn ép các dây thần kinh, tạo nên triệu chứng đau lưng.

Đau cơ xơ hóa

Các cơ tại vùng thắt lưng bị tổn thương. Người bệnh cảm thấy đau lưng kèm theo những triệu chứng mệt mỏi, mất ngủ, trầm cảm.

Tóm lại, có rất nhiều nguyên nhân gây đau lưng. Người bệnh nên gặp trực tiếp bác sĩ và làm những xét nghiệm lâm sàng để xác định nguyên nhân gây đau lưng, từ đó có những biện pháp điều trị phù hợp.

Tìm hiểu thêm: Nguyên nhân đau lưng ở phụ nữ

Đối tượng nào có nguy cơ đau lưng?

Đau lưng xảy ra ở nhiều đối tượng khác nhau, ở nhiều độ tuổi, dân lao động cũng như dân văn phòng. Những đối tượng thường bị đau lưng bao gồm:

Những người từ 30-50

Triệu chứng đau lưng tăng nặng khi tuổi càng cao. Độ tuổi này đã bắt đầu có dấu hiệu lão hóa, xương ngày càng mỏng, giảm độ đàn hồi, đĩa đệm sau một thời gian dài chịu áp lực cũng có dấu hiệu bị thoát vị. Vì thế, đau lưng là một triệu chứng mãn tính thường gặp ở độ tuổi này.

Những người không tập luyện

Cơ và xương của những người lười tập luyện không có được sự dẻo dai, linh hoạt. Yếu cơ lưng kèm theo yếu xương khiến người lười tập luyện bị đau thắt lưng ở độ tuổi sớm hơn, so với những người chăm tập thể dục và vận động hợp lý. Các nghiên cứu cho thấy, tập thể dục với cường độ hợp lý giúp đĩa đệm duy trì trạng thái toàn vẹn, có đủ độ đàn hồi để các đốt sống hoạt động trơn tru.

Bà bầu bị đau lưng

Trọng lượng cơ thể, cân nặng của em bé, khung xương chậu nở ra để đáp ứng điều kiện sinh nở,… là những nguyên nhân khiến bà bầu bị đau lưng trong suốt thai kỳ. Nếu xương khớp của bà bầu bình thường không có bệnh lý gì, sau thời gian mang thai, đau thắt lưng sẽ biến mất.

Người béo phì

Trọng lượng cơ thể của người béo phì gây áp lực lớn lên xương sống và đĩa đệm. Đĩa đệm dễ bị lún xuống và trào dịch khi bị đè nén bởi trọng lượng lớn của cơ thể người mắc bệnh béo phì.

Dân văn phòng

Những người làm văn phòng có xu hướng ngồi nhiều và ít  vận động. Ngồi nhiều và duy trì ở một tư thế trong nhiều giờ khiến xương cột sống và đĩa đệm không được nghỉ ngơi, thư giãn. Đồng thời, lười vận động khiến xương khớp không dẻo dai, linh hoạt. Đối tượng này thường xuyên bị đau thắt lưng mặc dù chưa đến độ tuổi lão hóa.

Người lao động bê vác nặng

Ngược lại với đối tượng dân văn phòng, người lao động phải bê vác nặng cũng khiến cột sống thường xuyên phải chịu tác động lớn. Bên cạnh đó, nguy cơ chấn thương cột sống của đối tượng này cũng cao, dẫn đến chứng đau thắt lưng càng phổ biến hơn.

Người thường xuyên căng thẳng

Căng thẳng, lo lắng trong thời gian dài khiến các cơ dễ bị căng ra. Dây thần kinh ở mọi vị trí của cơ thể, trong đó có thắt lưng không được lưu thông dẫn đến tình trạng đau thắt lưng kéo dài.

Đeo cặp/balo quá tải

Viện Phẫu Thuật Chỉnh Hình Mỹ (American Academy of Orthopaedic Surgeons) khuyến cáo trẻ em không nên mang balo hoặc cặp nặng quá 15 đến 20% trọng lượng cơ thể của trẻ. Đeo ba lô quá nặng khiến vai và cột sống chịu áp lực quá lớn. Nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên trong thời gian dài, việc đau thắt lưng là điều khó tránh khỏi.

Kỹ thuật chẩn đoán đau thắt lưng dưới

Thông thường, ở mức độ đau thắt lưng nhẹ, bác sĩ sẽ đưa ra những câu hỏi liên quan đến tính chất công việc, tiền sử bị bệnh và các hoạt động thể chất của bạn. Từ đó, bác sĩ sẽ có những chẩn đoán riêng và khuyên người bệnh nên dùng một loại thuốc điều trị an toàn, phù hợp.

Trong trường hợp bệnh nhân bị đau thắt lưng ở mức độ nặng, bác sĩ sẽ yêu cầu chụp X-quang, CT hoặc MRI. Ngoài ra, một vài trường hợp đặc biệt sẽ phải thực hiện các phương pháp chẩn đoán như xạ hình xương, đo điện cơ ký và dẫn truyền thần kinh.

Xem ngay: Đau lưng khám ở đâu?

Các phương pháp điều trị đau vùng thắt lưng

Thuốc uống

Hiện nay có rất nhiều loại thuốc chuyên dụng để điều trị đau lưng bao gồm cả Tây y và Nam dược. Những loại thuốc Tây trị đau lưng đem lại hiệu quả giảm đau tức thời, nhanh chóng nhưng thường có tác dụng phụ như tiêu chảy, buồn nôn, nôn, phù tay chân,…. Nếu dùng lâu dài, một số loại thuốc tây trị đau lưng còn làm giảm chức năng của các bộ phận nội tạng và hệ tiêu hóa. Thuốc Nam trị đau lưng thường tác động chậm nhưng hiệu quả đem đến mang tính ổn định, lâu dài. 

Châm cứu

Đây là phương pháp đã được nghiên cứu từ nhiều năm về trước, có tác dụng giảm đau và kích thích lưu thông mạch máu. Tuy nhiên, châm cứu cần được thực hiện trong môi trường vô khuẩn bởi các bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm. Phương pháp này nếu không được tiến hành đảm bảo sẽ rất dễ bị nhiễm trùng.

Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu là phương pháp sử dụng các tác nhân vật lý, tác động vào vùng bị đau. Các tác nhân vật lý được sử dụng bao gồm: xoa bóp cơ học, nước, không khí, nhiệt độ, khí hậu, độ cao, điện, tia X, tia cực tím, tia hồng ngoại, siêu âm,… Những tác nhân này có vai trò giảm đau tức thời, thông kinh hoạt lạc và nâng cao sức bền, độ dẻo dai của các tế bào xương khớp.

Phẫu thuật

Đây là chỉ định thường dành cho những bệnh nhân bị đau lưng ở cấp độ rất nặng. Tuy nhiên, phẫu thuật điều trị đau lưng thường tồn tại nhiều biến chứng nguy hiểm mà hiệu quả chỉ được 50%. Vì thế, khi có ý định phẫu thuật để chữa các bệnh về đau lưng, bạn nên cân nhắc thật kỹ xem có thể sử dụng các phương pháp thay thế khác được không.

Biện pháp phòng ngừa chứng đau thắt lưng

Để phòng ngừa bệnh đau lưng nói chung và đau thắt lưng nói riêng, người bệnh cần kết hợp chế độ ăn uống, sinh hoạt và tập luyện điều độ. Cụ thể:

  • Chế độ ăn uống: Ăn nhiều rau xanh, các thực phẩm bổ sung Canxi và Collagen giúp xương chắc khỏe và đĩa đệm được bôi trơn.
  • Chế độ sinh hoạt: Phân bổ thời gian hợp lý giữa làm việc, nghỉ ngơi, tập luyện và ngủ đúng giờ, đủ giấc. Không đứng, ngồi và giữ nguyên một tư thế trong thời gian quá lâu, tránh áp lực dồn xuống cột sống và đĩa đệm.
  • Chế độ tập luyện: Dành ra 30 phút mỗi ngày để tập luyện thể dục, thể thao phù hợp với sức khỏe của mình. Thường xuyên kiểm soát cân nặng không để tình trạng thừa cân gây áp lực lên cột sống.

Xem thêm:

Đau lưng nên ăn và không nên ăn gì?

Chữa KHỎI HẲN chứng đau lưng bằng 5 bài tập thể dục và yoga ngay tại nhà

Ngoài ra, chúng ta cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị kịp thời những vấn đề liên quan đến xương khớp. Khi các triệu chứng đau thắt lưng xuất hiện thường xuyên với mức độ nặng, bệnh nhân cần gặp trực tiếp bác sĩ chuyên khoa kịp thời, tránh để bệnh tiến triển quá nặng sẽ khó khăn khi chữa trị.

Đau lưng là vấn đề không của riêng ai. Nếu có những biện pháp can thiệp kịp thời khi các triệu chứng đau lưng chưa trở nặng kết hợp với chế độ ăn uống, luyện tập hợp lý, đau lưng sẽ thuyên giảm đáng kể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *